Chuyên gia ung bướu nói về liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư

PGS.TS Trần Đình Hà – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau thông tin về hướng điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào miễn dịch được giải thưởng Nobel và đã được áp dụng tại Việt Nam, ông đã nhận được nhiều yêu cầu từ bệnh nhân mong được chữa trị bằng liệu pháp này.

Liệu pháp tế bào miễn dịch – hướng đi mới cho điều trị ung thư

Theo  PGS.TS Trần Đình Hà – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Trung tâm của ông đang quản lý và điều trị cho hơn  1500 bệnh nhân, trong đó đa phần là bệnh nhân ung thư.  Tại Đơn vị Gen – Tế bào gốc thuộc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, lĩnh vực sinh học phân tử được ứng dụng rất nhiều trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Tại Bệnh viện Bạch Mai, việc chỉ định xét nghiệm sinh học phân tử thường để  xác định đột biến gen trong một số bệnh ung thư giúp cho việc chẩn đoán và lựa chọn điều trị các bệnh ung thư trong đó có ung thư phổi, đại tràng, dạ dày, tuyến giáp, vú .. .  Xét nghiệm này  giúp cho bác sĩ đánh giá tiên lượng bệnh,  khả năng đáp ứng  điều trị và lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân, đồng thời  theo dõi quá trình điều trị, di căn tái phát của bệnh …

chuyen-gia-ung-buou-chua-the-khang-dinh-lieu-phap-mien-dich-dieu-tri-ung-thu-chua-khoi-benh-hoan-toan-1

PGS.TS Trần Đình Hà – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Mới đây hai nhà khoa học là Giáo sư James P.Allison (Mỹ) và GS Tasuku Honjo (Nhật Bản) vừa được trao Giải Nobel Y học 2018 với phương pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đã gây sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên ứng dụng điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch là phương pháp đang được sử dụng tại một số bệnh viện tại Việt Nam trong đó có Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai. PGS Hà chia sẻ,  ứng dụng điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch đang sử dụng  thực tế có hai cách: một là sử dụng thuốc là các kháng thể đơn dòng (Monoclonal Antibody)  ức chế các thụ thể PD-1 hoặc PD-L1 giúp cho tế bào lympho T có thể nhận diện tế bào ung thư để khởi phát hoạt động hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh tiêu diệt tế bào ung thư. Có những bệnh nhân ung thư phổi đáp ứng rất tốt với liệu pháp này, sau một thời gian điều trị khối u và hạch di căn đáp ứng gần hoàn toàn, tuy nhiên cũng có những bệnh nhân chỉ cải thiện triệu chứng trên lâm sàng. …. PGS Hà cho biết. Cách thứ hai là sử dụng chính các tế bào Lympho T lấy từ máu của người bệnh sau đó được chọn lọc, nhân lên về số lượng, kích hoạt và trang bị thêm gen nhận diện tế bào ung thư (CAR-T Cell) tiêm truyền lại vào cơ thể người bệnh, các tế bào LymphoT này sẽ phát động hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh tiêu diệt tế bào ung thư.

PGS Hà nói, thời gian gần đây, sau khi các phương tiện thông tin đăng tải về liệu pháp miễn dịch có thể điều trị ung thư, ông nhận được nhiều cuộc gọi của bệnh nhân yêu cầu được điều trị bằng phương pháp này, họ cho rằng nó có thể điều trị khỏi bệnh. Họ quyết tâm dùng chi phí lớn nếu cần  để được điều trị bằng phương pháp này. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy, không phải bệnh ung thư nào, ở giai đoạn nào cũng có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.  Cần có thêm thời gian nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch này, chưa thể khẳng định liệu pháp miễn dịch điều trị khỏi hoàn toàn ung thư như người dân đang lầm tưởng.

Điều trị ung thư cần kết hợp nhiều liệu pháp

PGS Hà lý giải, trong điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng, tùy theo từng trường hợp cụ thể để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp (điều trị theo từng cá thể) và thường phải kết hợp nhiều phương pháp, không chỉ có liệu pháp điều trị miễn dịch đem lại hiệu quả, mà có những liệu pháp điều trị ung thư khác người bệnh ung thư đáp ứng hoàn toàn như các thuốc phân tử nhỏ điều trị nhắm đích (TKls) hóa trị với phác đồ, kết hợp nhiều loại hóa chất hay hóa trị kết hợp với kháng thể đơn dòng kháng tăng sinh mạch máu khối u, hóa trị kết hợp với xạ trị cũng có thể làm khối u biến mất, kéo dài thời gian sống cho người bệnh ….

Về liệu pháp miễn dịch, có thể khẳng định đây là hướng mới, thành tựu mới  trong nghiên cứu điều trị bệnh ung thư. Hiện nay, sử dụng liệu pháp kháng thể đơn dòng kháng PD-1, PD-L1  toàn thân có những trường hợp đáp ứng hoàn toàn, nhưng đây là liệu pháp không thể thay thế cho các phương pháp khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc điều trị nhắm đích khác…. Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thậm chí họ đã có các nghiên cứu áp dụng liệu pháp miễn dịch kết hợp với các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị, thuốc điều trị đích…. Như vậy, hiện nay,  miễn dịch  không thể là liệu pháp thay thế các phương  pháp điều trị khác cho bệnh ung thư.

Hiện nay, tại Bệnh viện Bạch Mai phương pháp miễn dịch trị liệu ung thư đã được áp dụng với các thuốc kháng thể đơn dòng ức chế các thụ thể PD-1 hoặc PD-L1 đang nghiên cứu và sẽ đưa vào ứng dụng liệu pháp miễn dịch tế bào với Lympho T (CAR-T cell) trong điều trị ung thư.  Các tế bào T được biết là những tế bào miễn dịch tìm và diệt tế bào ung thư. Trong liệu pháp này, bệnh nhân được lấy máu, tách tế bào T sau đó lựa chọn, nuôi cấy, kích hoạt nó đưa trở về cơ thể, biến nó  thành “tế bào thiện chiến”  tiêu diệt tế bào ung thư… Đây là hướng đi mà thế giới đã công nhận và đang tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực điều trị ung thư ở người.

Hải Yến/ Suckhoedoisong.vn