HIV tăng cao ở người đồng tính nam

Hà Nội – 10-15% người đồng tính nam hiện bị nhiễm HIV, tuổi trung bình 23 và phần lớn sống ở TP HCM, Bình Dương và Hà Nội.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cộng đồng người chuyển giới có xu hướng tăng, bác sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết. Ước tính cả nước hiện có khoảng 174.000 người trong nhóm MSM. Trước đây tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam khoảng 3-5%. 

“Dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch đang chậm lại. Đặc biệt phát hiện ngày càng nhiều người nhiễm HIV thuộc cộng đồng MSM”, ông Sơn nói.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam, 8-11% trong số người được khảo sát cho biết từng có quan hệ tình dục tập thể. 52-76% dùng bao cao su, còn lại quan hệ không an toàn. 9-22% trong số họ sử dụng ma túy.

Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống, khoảng gần 200.000 người nhiễm biết được tình trạng bệnh của mình. Hiện chưa có vắcxin ngừa HIV/AIDS, tại Việt Nam có các loại thuốc điều trị và dự phòng.

Đến tháng 6, gần 140.000 người đang điều trị ARV ở khắp các tỉnh thành, trong đó có cả trẻ em. Thuốc đang được bảo hiểm y tế chi trả, với 188 cơ sở điều trị cung cấp thuốc ARV.

Thuốc ARV khống chế lượng virus trong máu người nhiễm giảm ở mức thấp, giúp người bệnh khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ, giảm lây truyền HIV. Khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện 200 bản sao trong một ml máu, sẽ không lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV sớm thì 98% trẻ sinh ra không lây nhiễm.

Tỷ lệ người được điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) cũng tăng. Hiện có 4.000 người đang sử dụng PrEP; tỷ lệ duy trì điều trị cao. PrEP giúp những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày. Tuân thủ tốt liệu trình dự phòng có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trên 90% và qua tiêm chích ma túy đến 70%. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết PrEP được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Đó là nhóm MSM, phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm (cặp có một người nhiễm và một người không nhiễm HIV) trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng… Hiện nay, căn bệnh này được kiểm soát tốt và không đáng lo ngại.

Lê Nga/vnexpress