Mã số BHXH cũng chính là mã định danh y tế

Ngày 25/05/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2153/QĐ-BYT về Quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2020 và thay thế Quyết định 4376/QĐ-BYT ngày 24/9/2019.

Theo đó, mã số BHXH sẽ được sử dụng làm mã định danh y tế để xác định danh tính một cá nhân tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe.  Mỗi người dân chỉ được cấp một mã định danh y tế duy nhất và mỗi mã định danh y tế chỉ được cấp cho một người dân và tồn tại suốt đời. Các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với Bệnh án điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác. Mã định danh y tế có những đặc tính cơ bản sau đây: sẵn sàng, nhận diện, liên thông, ánh xạ và xác thực.

Tìm hiểu mã định danh y tế tại các nước trong khu vực và trên thế giới

Nhận dạng người bệnh là yêu cầu rất quan trọng để cung cấp hiệu quả các dịch vụ y tế và triển khai các hoạt động quản lý y tế công cộng, đây là những hoạt động nền tảng để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Mã định danh y tế là công cụ để giúp nhận dạng chính xác người bệnh trong các hoạt động trên.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới xác định mã định danh y tế mang lại nhiều tiện ích cho nhiều phía, cả nhà cung cấp dịch vụ y tế, người bệnh, các nhà quản trị, các công ty bảo hiểm,…Nhà cung cấp dịch vụ y tế cần phải biết định danh của người bệnh để tiếp cận vào bệnh sử và lịch sử điều trị có liên quan và để đảm bảo rằng họ cung cấp các chăm sóc y tế một cách nhất quán và thích hợp nhất. Người bệnh cũng cần có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã tham gia các chương trình bảo hiểm hoặc các mạng lưới an toàn khác bao phủ chi trả các chi phí y tế. Các nhà quản trị và nhà nghiên cứu cũng cần có một mã định danh người bệnh duy nhất để có thể tổng hợp hồ sơ và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu y tế riêng biệt (các hệ thống thông tin y tế, HIS) để tạo ra số liệu thống kê giúp lập kế hoạch, lượng giá, đáp ứng khẩn cấp, cải thiện điều trị và quản lý bệnh. Các công ty bảo hiểm y tế cần có khả năng xác định chính xác người bệnh đảm bảo rằng những người nộp đơn yêu cầu thanh toán được giải quyết dựa trên lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế của Ngân hàng thế giới, trong quá khứ cho đến nay, hệ thống thông tin và mã định danh người bệnh ở nhiều quốc gia còn rất yếu. Hồ sơ bệnh án trong bệnh viện và tại các phòng khám thường dựa trên hồ sơ giấy hoặc có hệ thống thông tin độc lập riêng biệt không thể giao tiếp, trao đổi dữ liệu hoặc tổng hợp dữ liệu. Chính điều này làm giảm khả năng giám sát và lập kế hoạch dẫn đến hiệu quả chăm sóc người bệnh kém hơn. Trong khi đó, theo Ngân hàng thế giới ước tính có đến 1,1 tỷ người trên toàn cầu (vào thời điểm năm 2017) đang bị thiếu tài liệu nhận dạng pháp lý nên không thể chứng minh họ có đủ điều kiện hoặc thuộc diện được bảo hiểm chi trả, do đó không nhận được dịch vụ y tế nào cả. Chính phủ một số nước cũng phải đối mặt với những thách thức khi muốn mở rộng hoặc hợp lý hóa các chương trình bảo hiểm y tế khi khó thiết lập danh tính của những người thụ hưởng hiện có hoặc đã bị loại trừ.

Mã định danh chức năng (Functional ID or Stand-alone ID) là gì ?

Trong vài thập kỷ qua, những cải cách quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã giúp các nước trong khu vực khắc phục một số điểm yếu này, như việc tăng cường áp dụng các hệ thống thông tin kỹ thuật số, cụ thể là hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) và các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Theo TCYTTG, có khoảng 47% các quốc gia hiện có hệ thống EHR, trong khi có khoảng 83% các quốc gia đã áp dụng ít nhất một ứng dụng về sức khỏe di động (mHealth) (WHO 2016). Chính những cải tiến này đã kích hoạt các hệ thống nhận dạng độc lập hoặc nhận dạng chức năng của ngành y tế (stand-alone, or functionalidentification systems), cụ thể như số và/hoặc thẻ nhận dạng bệnh nhân duy nhất (unique patient ID number) do Bộ Y tế hoặc Bảo hiểm y tế quốc gia tạo ra. Các hệ thống nhận dạng này đã cung cấp các tiện ích đầy tiềm năng cho cả người bệnh, các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế và cả các bộ, ngành có liên quan khác. Bằng cách cho phép xác định và xác thực bệnh nhân bảo mật và chính xác và cho phép trao đổi thông tin, sẽ làm tăng hiệu quả quản lý người bệnh, cải thiện chất lượng điều trị, giảm gánh nặng hành chính cho người bệnh, tạo điều kiện tiếp cận bảo hiểm tốt hơn, giảm gian lận và cải thiện việc thu thập dữ liệu.

Tuy nhiên, các hệ thống định danh chức năng này, chẳng hạn như thẻ định danh y tế, có thể gây tốn kém khi vận hành và việc phổ biến mã định danh và cơ sở dữ liệu cụ thể theo ngành có thể không tương thích giữa các ngành với nhau và gây gánh nặng cho người dùng.

Mã định danh nền tảng (Foundational ID) là gì ?

Thay vì tạo ra một hệ thống nhận dạng dành riêng cho y tế (mã định danh chức năng), một số quốc gia trong khu vực đã chọn hệ thống nhận dạng nền tảng (mã định danh nền tảng) hiện có sẵn của quốc gia đó, như số đăng ký dân số (population registers), số định danh duy nhất (Unique Identification Numbers – UIN) hoặc thẻ định danh quốc gia (National ID – NID), làm nền tảng để nhận dạng người bệnh, xác minh và xác thực. Ưu điểm của mã định danh nền tảng là tận dụng một hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng có sẵn có thể tạo ra những lợi ích bổ sung ngoài những lợi ích được cung cấp bởi một hệ thống chức năng của lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.

Bằng cách hợp lý hóa quản lý nhận dạng tổng thể và loại bỏ chi phí cho mã định danh chức năng trong lĩnh vực y tế, việc tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng có sẵn vào ngành y tế có thể cải thiện công tác quản lý bệnh nhân, quản trị bảo hiểm và thu thập dữ liệu, thậm chí còn nhiều hơn một hệ thống mã định danh chức năng. Ví dụ, ở Estonia, việc sử dụng tài liệu nhận dạng điện tử quốc gia (eID) cũng là nhận dạng người bệnh nhân đã làm tăng hiệu quả và độ chính xác của dữ liệu y tế, làm giảm gánh nặng cho công tác hành chính của bác sĩ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ mới như hệ thống kê đơn điện tử, tận dụng khả năng chữ ký số của eID. Ở Botswana, đã sử dụng mã định danh quốc gia (national ID) để xác định bệnh nhân liên quan đến các chương trình khác nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng HIV/AID và cho phép một hệ thống theo dõi tiên tiến làm tăng khả năng giám sát, đánh giá và mở rộng quy mô chương trình.

Việc sử dụng một mã định danh nền tảng để chia sẻ dữ liệu cho các hệ thống khác nhau trong cùng một quốc gia, ví dụ, mã định danh theo số đăng ký hộ tịch, thống kê dân số… có thể tạo điều kiện, tổng hợp dữ liệu dễ dàng hơn, có thể được sử dụng để lập kế hoạch và nghiên cứu, như ở Hàn Quốc. Tương tự, ở một quốc gia nơi nhiều cơ quan sử dụng mã định danh chung giúp dễ dàng xác minh hoặc kiểm tra chéo các thuộc tính của người bệnh trên các hệ thống cho nhiều mục đích khác nhau, như ở Thái Lan, việc sử dụng mã định danh quốc gia trong lĩnh vực BHYT cho phép tạo ra và sao chép nhanh chóng đăng ký chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc.

Toàn văn nội dung Quyết định 2153/QĐ-BYT (file đính kèm)

(Tài liệu tham khảo: “The Role of Digital Identification for Healthcare: The Emerging Use Cases” – Identification for Development (ID4D) World Bank, 2018)

SỞ Y TẾ TP.HCM