Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Helicobacter pylori

Trưởng khoa Nội tiêu hoá và Trưởng khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện đã chia sẻ và thống nhất đồng thuận các giải pháp để điều trị, kiểm soát biến chứng đối với nhóm bệnh nhân (BN) nhiễm Helicobacter pylori (H.p) và bệnh hội chứng vành cấp.

Trong buổi sinh hoạt khoa học Khối tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 12/06/2019. Trưởng khoa Nội tiêu hoá và Trưởng khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện đã chia sẻ và thống nhất đồng thuận các giải pháp để điều trị, kiểm soát biến chứng đối với nhóm bệnh nhân (BN) nhiễm Helicobacter pylori (H.p) và bệnh hội chứng vành cấp.

Cập nhật điều trị Helicobacter pylori – khi nào cần tìm và diệt: Ung thư dạ dày đứng thứ 3 ở nam giới và đứng thứ 5 ở nữ giới  về tần suất và tỷ lệ tử vong. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gâyung thư dạ dày đã được WHO công nhận là Helicobacter pylori và đây cũng là đề tài được trao giải nobel về Sinh lý y học năm 2005 cho Barry Marsall và Robin Warren. Tiếp theo sau đó, nhiều nghiên cứu dịch tễ và thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh mối liên hệ về H.p, viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày. 

Hội thảo khoa học Khối tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 12/06/2019

Vi khuẩn H.p lây truyền qua đường ăn uống: ăn chung đũa muỗng, chấm chung nước chấm, mớm thức ăn cho nhau, …vì vậy tỷ lệ lây lan trong cộng đồng rất dễ và rất cao. Trên 2/3 dân số thế giới nhiễm H.p, ở nước ta tỷ lệ nhiễm trên 70%, là 1 trong những khu vực báo động đỏ trên thế về vấn đề này.

Tỷ lệ hiện diện của Helicobacter pylori trên toàn cầu

Vậy trường hợp nào cần tìm và diệt H.p?

– BN đang hoặc đã từng bị loét dạ dày tá tràng

– BN có triệu chứng khó tiêu, rối loạn tiêu hoá kéo dài

– Viêm dạ dày mạn thể teo

– U Malt lympho giai đoạn sớm (Lugano I/II)

– Sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày

– Có huyết thống trực tiếp với người bị ung thư dạ dày

Ngoài ra còn có một số bệnh lý khác không liên quan đến dạ dày đã được chứng minh cũng có mối liên quan với Hp như: thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân, ban xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân,…

Về chẩn đoán, có thể dùng kỹ thuật can thiệp qua nội soi, cũng có thể dùng kỹ thuật không can thiệp không cần qua nội soi như test hơi thở với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, tìm kháng nguyên trong phân,..

Bên cạnh tình hình đề kháng kháng sinh, việc tiệt trừ H.p cũng gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công như: sự tuân thủ điều trị, ức chế acid không hiệu quả, tính đa hình gen CYP2C19,…

PPI đóng vai trò quan trọng trong phác đồ tiệt trừ H.p cùng với kháng sinh. PPI làm tăng pH dạ dày từ đó tăng tính thấm dịch dạ dày, tăng hoạt tính kháng sinh, tăng hiệu lực kháng sinh.

Trong các PPI, Rabeprazole có số điểm gắn kết và pKa cao, kiểm soát acid nhanh, ít bị ảnh hưởng CYP2C19,.. có hiệu quả tốt trong tiệt trừ H.p. (Điều này đã được chứng minh qua các phân tích meta cỡmẫu lớn Mc Nicholl 2012).

Ngoài ra nguy cơ tương tác làm giảm tác dụng ngưng tập tiểu cầu của clopidogrel của các PPI khi dung chung nhau cũng đã được FDA khuyến cáo đặc biệt đối với omeprazole vì làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong. Do đó việc lựa chọn PPI ít chuyển hoá qua CYP2C19 như rabeprazole giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tương tác, an toàn hơn cho BN.

Ts.Bs.CKII. Lê Thị Tuyết Phượng

Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Nhân dân 115