Ba nhóm nguy cơ cao lây nhiễm nCoV

Bộ Y tế phân loại 3 nhóm nguy cơ cao tiếp xúc và lây nCoV là nhân viên y tế, người làm việc trong môi trường công cộng, người làm việc tại khu vực cửa khẩu.

Cán bộ y tế bao gồm nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, xét nghiệm, điều trị hoặc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế liên quan đến những người bị nhiễm virus. Đây là một trong các nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao, được Bộ Y tế đề cập trong Hướng dẫn Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động, ngày 10/3.

Nhóm thứ hai là người làm việc trong môi trường công cộng như nhân viên hàng không; thuyền viên, nhân viên đường sắt; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phục vụ mục đích công cộng. Người làm việc tại các khu dịch vụ (trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng), nhân viên môi trường đô thị… cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Nhóm 3 là cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu. Nhóm này có hải quan, kiểm hóa, biên phòng; an ninh hàng không, kỹ thuật mặt đất; cảng vụ, hoa tiêu, đại lý hàng hải; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật; đơn vị y tế tại cửa khẩu. 

Nhân viên y tế thuộc nhóm người nguy cơ cao lây nhiễm nCoV. Ảnh: Hữu Khoa. 

Bộ Y tế khuyến cáo những người có nguy cơ lây nhiễm cao cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên với xà phòng, che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.

Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay…

Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cần đeo khẩu trang đúng cách. Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn.

Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2 m, nếu có thể. Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã.

Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

Covid-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, phòng chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường.

Tính đến tối 13/3, Việt Nam ghi nhận 47 ca nhiễm nCoV, trong đó 16 ca đã khỏi bệnh, 31 bệnh nhân mới trong vòng một tuần qua.

Lê Nga