Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III – Dược sĩ 3 năm 6 sáng kiến

Tốt nghiệp dược sĩ Đại học Y dược Cần Thơ năm 2009, Huỳnh Hoàng Hà (ảnh) về công tác tại Cty CP Dược phẩm An Giang (Agimexpharm). Tại đây anh lại bén duyên với sáng chế thiết bị ngành cơ khí.

Sau nhiều lần hẹn, tôi gặp Hà khi đang chỉ huy công trường xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm tại KCN Bình Hòa. Tác phong nhanh nhạy đã khiến Hà trẻ hơn cái tuổi ngoài 30 của mình. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng hơn ở dược sĩ này chính là tinh thần làm việc. Hà vừa tiếp chuyện, vừa điều hành công việc qua mạng Internet.

Chứng kiến hình ảnh này, tôi phần nào lý giải được vì sao chỉ sau 3 năm nhận nhiệm vụ quản đốc điều hành nhà máy sản xuất, Hà không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mà còn cho ra đời 6 sáng kiến thiết bị cơ khí – một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với chuyên môn anh được đào tạo, như: Cải tiến băng tải đếm gói tự động; Chế tạo khuôn xếp tuýp; Chế tạo máy đóng chai; Cải tiến máy thử độ rã viên thuốc đặt âm đạo… Nhưng ấn tượng nhất là công trình Cải tiến hệ thống chiết rót máy ép gói hỗn dịch.

“Lúc đưa vào sử dụng, phát hiện nhiều điểm chưa phù hợp như: Tốc tộ ép gói chậm, cơ chế hoạt động của phễu còn mang tính thủ công” – Hà nhớ lại. Cụ thể, để sản xuất 1.000.000 gói cần 14 ngày với sự làm việc 3 ca (24/24).Trong khi đó, phễu chỉ chứa khoảng 15-20kg thuốc nên công nhân phải thường xuyên đổ thuốc bằng tay. Thấy công nhân phải dùng sức rất cực mà còn dễ gây nguy cơ nhiễm vi khuẩn khi thuốc tiếp xúc với không khí nên Hà quyết tâm cải tiến.

Đầu tiên là thay phễu chứa thuốc thành ống dẫn hút thuốc trực tiếp từ thùng chứa, rồi cải tiến bơm chiết rót, thay ron caosu cứng thành vòng silicon mềm, bền và độ đồng đều cao. Cùng lúc, Hà chế tạo thêm van 1 chiều để thuốc không bị chảy ngược lại thùng chứa, ổn định khối lượng của gói. Qua đó đã rút ngắn thời gian ép 1.000.000 gói xuống còn 8 ngày, nhưng quan trọng hơn là góp phần đưa hoạt động sản xuất của đơn vị vào chuẩn và mở ra khả năng ứng dụng vào dây chuyền ép gói các sản phẩm dạng lỏng. Chính vì thế mà cải tiến này còn chiếm luôn giải thưởng tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2017.

“Thấy đồng nghiệp cực và lo cho sản phẩm của đơn vị nên cố tâm sức làm, chứ bản thân hoàn toàn không được đào tạo, bồi dưỡng gì về cơ khí” – Hà chia sẻ. 3 năm, 6 sáng kiến, không chỉ làm lợi cho đơn vị hơn 600 triệu đồng, mà đánh thức nhiều tiềm năng khác. Dù khiêm tốn cho rằng chỉ “cộng” các ý tưởng của đồng nghiệp, nhưng thực tế cho thấy, với cách triển khai: Đưa vấn đề ra trao đổi, thu thập ý kiến đồng nghiệp đơn vị để điều chỉnh một cách hợp lý nhất, rồi tiếp tục bàn bạc thật kỹ, phân chia công việc đúng người – đúng việc trước khi bắt tay vào triển khai, Hà không chỉ làm sáng kiến “trọn gói” mà còn kéo theo đội ngũ công nhân được nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc.

Điển hình, khi triển khai thiết kế, chế tạo tủ sấy chai và tủ sấy tĩnh, Hà chọn anh em có tay nghề cơ khí rồi nói rõ ý tưởng, góp ý kiến nhiều lần trước khi làm nên đã chạm vào thành công ngay sản phẩm đầu tiên. Cứ thế, sau 3 năm, Hà đã giúp cho trên 50 công nhân nâng cao kỹ năng, tay nghề. Nhưng quan trọng hơn, nó còn góp phần đổi mới tư duy mua sắm thiết bị của đơn vị theo hướng sát thực tiễn.

Sau mỗi thành công, Hà tranh thủ phân tích cho lãnh đạo lý do, nguyên nhân chưa hợp lý. Nhờ vậy, mà mới đây Cty đã đi đến quyết định bổ sung bộ phận xưởng vào danh sách đoàn mua sắm thiết bị, máy móc.

Các thành tích tiêu biểu của Huỳnh Hoàng Hà: Bằng khen của UBND tỉnh An Giang các năm 2014, 2015, 2016; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN năm 2016; Bằng khen của LĐLĐ tỉnh An Giang năm 2017.

Lục Tùng/ Lao Động Online